
“And when this dust falls to the urn,
In that state I came, return.
Và khi tro bụi rơi về,
Trong thinh lặng đó, cận kề quê hương.
Henry Vaughan 1622 – 1695 (The Retreat)”
Và khi tro bụi - một nỗi mênh mang mờ mịt của kiếp người lãng du.
Khá lâu rồi tôi chưa đọc lại văn học Việt Nam, nhưng Và khi tro bụi là một ngoại lệ và nó đã thực sự trở thành một trong (số ít) những tác phẩm ám ảnh tôi nhiều đến nghẹn ngào.
Cái hình dung tổng quan về Và khi tro bụi chính là một cuốn tiểu thuyết ngắn với nội dung lấy chất liệu từ những mảnh đời có thật trong cuộc sống, nhưng được thể hiện bằng ngòi bút của chủ nghĩa hiện sinh. Nghĩa là những sự thật trần trụi rất rõ ràng, nhưng Đoàn Minh Phượng không miêu tả cụ thể, mà lại dụng tâm gợi mở vấn đề để người đọc phân tích, đánh giá. Thế nên đọc xong cuốn sách, tôi nhìn thấy rất nhiều đám mây xám mờ, tầng tầng lớp lớp che đậy một thứ gì đó rất sáng, nhưng dù cố gắng rẽ mây tìm lối, vẫn vô cùng chật vật để mở ra được thứ ánh sáng kia. Mà trong tác phẩm này, cái ánh sáng đấy có lẽ là sự thật, là lẽ sống. Thật vậy, suy cho cùng tất cả những hành trình trên tàu và trên mặt đất của nữ nhân vật chính, âu cũng là để đi tìm lẽ sống - thứ mà đã dày vò cô đến nỗi ám ảnh.
“Nhiều năm sau, tôi cố hiểu cái chết của cha nuôi tôi. Cuộc đời không đầy bí ẩn, nhưng những sự thật về cuộc đời luôn ở một nơi nào xa hơn tầm với của con người. Bởi vì con người chỉ chấp nhận sự thật khi nó đi kèm với ý nghĩa, ý nghĩa hiếm hoi, nên hiểu biết của con người cũng nhỏ nhoi. Ý nghĩa chủ quan, nên chỉ có sự thật của mẹ nuôi tôi và sự thật của tôi và sự thật của tôi, chứ không có sự thật đứng riêng một mình nó. Nếu đứng riêng một mình, nó đứng trong bóng tối. Khi được nhìn thấy, nghĩa là nó đã đứng trong ánh sáng của tôi hoặc là của mẹ nuôi tôi. Ánh sáng có thể nhiều dối trá. Bóng tối thành thật, nhưng nó đồng nghĩa với im lặng.”
Và khi tro bụi mở đầu bằng một cái chết, đem mọi thứ tươi đẹp bỗng biến thành tro bụi, nhưng với người thiếu phụ ở lại, nó chẳng khác nào tuyệt tình cắt đứt nguồn sống duy nhất của cô, cắt đứt sợi dây liên kết cô với sự sống này. Và trong nỗi tuyệt vọng chới với ấy, cô chọn cái chết. Nhưng mặt đất là một nơi không dễ chia tay, vì thế cô chọn chết trên những chuyến tàu như một dấu chấm hết. Nhưng “Dấu chấm hết nào cũng muốn mang ý nghĩa của cái câu đi trước nó. Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết” Và thế là cô lại đi tìm mình để rồi vô tình khám phá ra những phận đời mờ mịt đáng thương khác. Điểm cuối của hành trình kia là sự thức tỉnh của kí ức, cô nhận ra nguyên nhân cốt lõi đã khiến cuộc đời cô trở nên lưng chừng như vậy là chính là sang chấn thời ấu thơ. Nhưng vào chính lúc trả lời được câu hỏi “tôi là ai?”, cũng là khi nữ nhân vật chính An Mi ra đi, về với cát bụi.
Trong hơn 4 tiếng liên tục đọc cuốn sách này, đã có lúc tôi cảm thấy tim mình nặng nề, hô hấp như nghẹn lại, nhưng không thể rơi dù chỉ một rọt nước mắt. Khi nỗi buồn quá bi thương thì người ta không còn có thể khóc được nữa. Điều này đến từ cách hành văn bình thản đến lạ lùng, cách hành văn chậm, lột tả những diễn biến tâm lí nhân vật được che phủ bởi tầng tầng lớp lớp làn sương mù. Tác giả không miêu tả ngoại hình An Mi, nhưng tôi có cảm giác mình nhìn thấy rất rõ ràng đôi mắt của cô ấy, đôi mắt đen tròn ẩn chứa nỗi thống khổ, nỗi bất an nhưng suốt cuộc đời luôn cố gắng mở to, ngỡ ngàng quan sát những sự kiện xảy ra xung quanh mình, cố gắng để lý giải chúng. Đến đây, cảm giác của tôi dành cho An Mi được viết thành hai chữ “đáng thương”.
Và khi tro bụi để lại trong tôi rất nhiều trăn trở cùng những câu hỏi bỏ ngỏ. Liệu cái chết có phải con đường duy nhất để giải thoát cho nữ nhân vật chính? tại sao lẽ sống của An Mi lại phải ghim vô những sự vật ngoài cô ấy mà không phải chính cô ấy? động lực sống của con người là gì? liệu An Mi có quá nhu nhược hay không, với năng lực kia cô ấy có thể hay không đã sống một cuộc đời ý nghĩa hơn hoặc giúp đỡ những cuộc đời khác trở nên ý nghĩa hơn? vẫn biết một phần hạnh phúc đến từ những liên kết cộng đồng, nhưng phải cô độc đến mức nào mới đẩy An Mi chọn cái chết? cuối cùng, dù màu sắc nghệ thuật của tác phẩm này là không cần bàn cãi, nhưng văn học nên vị nhân sinh, vậy mà kết thúc tác phẩm người đọc vẫn khó để tìm thấy một tia lạc quan heo hắt nào cho những mảnh đời như thế, có phải hay không Đoàn Minh Phượng đã quá phóng đại và nghiêm trọng hóa nỗi buồn này?
Đây là tác phẩm mà tôi sẽ đọc lại mỗi hai năm một lần. Tôi muốn xem ở thời điểm mình đọc cuốn sách này lần thứ 3, bản thân đã giác ngộ thêm được chút nào về cuộc đời muôn màu muôn vẻ này hay chưa. Còn ngay lúc này đây, tôi cảm thấy biết ơn và hạnh phúc vì soi chiếu vào cuộc đời mình thấy bản thân may mắn quá đỗi, điều mà trước nay tôi hay xem đó là hiển nhiên. Hóa ra cái “hiển nhiên” ấy lại là ước mơ cả đời của biết bao sinh mệnh lãng du.
Bình luận