
Bạn có từng ở trong tình huống xem mình là “giáo sư biết tuốt” - cảm giác bản thân thật tài giỏi hơn người như thể mình là trung tâm vũ trụ với hào quang lấp lánh khiến vạn vật xung quanh phải trầm trồ? Cảm giác ấy thích nhỉ, nhưng sự thật đằng sau lại phũ phàng lắm đấy - bạn chỉ đang ảo tưởng thôi, sự thật (được khoa học chứng minh) là thời điểm đấy bạn đang ở mức chạm đáy của sự ngu dốt thiển cận!
Những lời trên khá trực diện nên không tránh khỏi sự thật mất lòng (nhưng vẫn là sự thật). Khi đối thoại với bản thân mình, nếu cần nhẹ nhàng để healing thì Quỳnh sẽ thật dịu dàng, nhưng nếu cần cứng rắn để chính mình không bị sa lầy, Quỳnh sẽ không ngần ngại thẳng thắn như thế. Kim cương được hình thành dưới áp lực, nửa vời lỏng lẻo thì chỉ có than đá được tạo ra thôi. Một đời không nhiều, nhưng bạn biết sống ý nghĩa, một đời là đủ.Ý nghĩa cuộc sống, theo Quỳnh, giống như đạp xe vậy đó - muốn thăng bằng, chân không được ngừng đạp - bạn không ngừng cố gắng, không ngừng tiến lên phía trước, không buông bỏ nỗ lực, không phải để chạy đua với ai khác, mà là để chính mình không hổ thẹn cho một kiếp làm người (còn những kiếp làm thứ gì khác thì Q không biết nhưng mạnh dạn đoán nó cũng không nằm ngoài quy luật vận hành của vũ trụ - không phát triển tức là chết!).
Động lực để quá trình nỗ lực cày cuốc ấy diễn ra, mấu chốt chính là nằm ở điểm nhận thức của bạn vượt qua được “cơn ảo tưởng” về hiểu biết của bản thân. Quỳnh thích dùng luận cứ khoa học để khám phá con người (tâm lý, hành vi, bản năng, tiềm năng,..) từ đó lấy được chìa khoá chuẩn cho những vấn đề tư duy, bởi vì tư duy quyết định 80% kết quả hành động của mình mà! Thế nên, “làm thế nào để vượt qua cơn ảo tưởng” cũng không phải một ngoại lệ. May mắn đọc được cuốn ebook The Little Book of Stupidity: How We Lie to Ourselves and Don't Believe Others đã giúp phần nào giải mã câu chuyện này, và Quỳnh thấy nội dung thú vị lắm, nên muốn chia sẻ cùng mọi người.
Nội dung chính của cuốn sách này đề cập đến hiệu ứng Dunning Kruger ( Khái niệm này được được đặt theo tên của 2 giáo sư chuyên về psychology người Mỹ là David Dunning và Justin Kruger.), mà cái tiêu đề bài viết này là một phần trong hiệu ứng ấy. Hiệu ứng này mô tả mối tương quan giữa sự tự tin và hiểu biết của một người trong một (hoặc nhiều) lĩnh vực. Cụ thể bạn nhìn vào biểu đồ sau kết hợp phần giải thích bên dưới sẽ mường tượng rõ ràng hơn về quá trình này nè: - Đầu tiên, khi một người không biết tý gì về lĩnh vực đó, sự tự tin của họ bằng 0 (hiển nhiên rồi ) - Điều thú vị xuất hiện khi người đó sang giai đoạn 2, mà cũng chính là cái tiêu đề bài viết: Mr.Biết tuốt và sự ảo tưởng sức mạnh. Giai đoạn này, người đó đã biết được một chút kiến thức sơ khai của lĩnh vực (nhưng chưa có gì đáng kể) và bắt đầu cho rằng anh ta biết tất cả, không cần học nữa, cũng không cần lời khuyên của bất cứ ai Mức độ tự tin của anh ta cũng điểm cao nhất. (Giai đoạn này còn gọi là mức cao nhất trong 5 mức độ của ngu dốt - Dốt cũng phải có nghệ thuật của nó! ) - Nào,đến giai đoạn thứ 3 khi chiếc gương ảo tưởng bị đập cho vỡ vụn, anh ta rơi xuống thung lũng của tuyệt vọng khi phát hiện bản thân đã ngu dốt đến mức nào , tất nhiên, sự tự tin cũng rơi xuống đáy. - Nhưng bản năng con người kì diệu lắm, anh ta có chí tiến thủ, dần thoát khỏi tình trạng tuyệt vọng, anh ta tiếp tục tìm hiểu, dần dần sự tự tin cũng tỷ lệ thuận mà tăng trở lại. - Ở giai đoạn cuối (giai đoạn này kéo dài đến dương vô cùng nhé ) , anh ta trở thành một chuyên gia - hiểu biết tường tận nội hàm, ngoại diên của lĩnh vực đó, sự tự tin đạt được ở đỉnh cao (ah, nhưng vẫn không cao bằng lúc làm Mr.Biết tuốt nhe)
Hiệu ứng Dunning Kruger xảy ra khắp nơi, mà hầu hết mọi người đều từng trải qua (Q cũng thế, xấu hổ quá ). Một vài ví dụ về hiệu ứng này: - Mấy năm gần đây ta hay nghe nhiều về câu chuyện khởi nghiệp thành công. Nhưng bạn có biết phần trăm những vụ khởi nghiệp không thành công lại chiếm đa số? Một trong những nguyên nhân chính là người trẻ học được một chút kiến thức về quản trị rồi có idea, thế là khởi nghiệp, mà đâu biết rằng mớ kiến thức nửa mùa đó chưa đủ! - Dạo này bản tin thời sự Tài chính kinh doanh liên tục đề cập đến vụ các cá nhân bị lừa tham gia mô hình trading tiền ảo điển hình như Lion Group (tiền ảo chưa được hợp pháp tại VN), kết cục thì ai cũng nhìn thấy - tiền mất, nợ mang! Lý do không chỉ đến từ sự lôi kéo hấp dẫn của tổ chức, mà còn từ sự ảo tưởng kiến thức của người tham gia.
So what? Mình rút ra bài học gì từ hiệu ứng này? Với Quỳnh, bài học lớn nhất là: Be humble and self-aware. Luôn khiêm tốn và biết mình (biết mình đang biết gì và đang không biết gì - cái vế thứ 2 này khó chơi nè, nhưng phải cố cho được). Khi tiếp cận một lĩnh vực mới, đừng quên mình đang ỏ giai đoạn Mr.Biết tuốt mà im lặng học hỏi, đừng làm thùng rỗng kêu to và cũng đừng tin những người đang ở giai đoạn này (lại nhớ vụ Lion Group, forex trading ). Những người lãnh đạo xuất sắc có hay ba hoa chích choè không? Để đạt được sự tự tin chắc chắn như thế, hãy luyện tập để trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định, đừng làm cái TV kênh nào cũng phát mà chẳng kênh nào chuyên sâu.
Bài khá dài rồi, nếu bạn đọc đến dòng này, chúc mừng bạn nhé. Chủ đề này không dễ tiêu hoá, nhưng Quỳnh nghĩ đã đến lúc chúng ta phải bỏ đi tư duy mì ăn liền, thích và chỉ thích học/đọc/nghe những thứ không có nội hàm, không cần tư duy, vô thưởng vô phạt (thậm chí độc hại). Như thế, ta mới tiến lên được, mới sống cho đáng sống!
P/S: Hình như cuốn sách này có bản tiếng Việt rồi, tên là “Bạn không thông minh lắm đâu”, có cơ hội bạn có thể cân nhắc tìm đọc thử nghen
Comments